Thư viện

Lấp lánh, lấp lánh hơn nữa: Sử dụng âm nhạc với trẻ sơ sinh và trẻ mới chập chững biết đi

Trong giờ nghỉ trưa, Benjamin – cậu bé hai tuổi rưỡi trằn trọc mãi mà chưa ngủ được. “Hãy hát bài hát của em nhé” cậu bé nói. Giáo viên của cậu nhẹ nhàng bắt đầu hát một bài hát mà cô đã tự viết ra chỉ vài tháng trước dành riêng cho Benjamin: “Ai yêu Benjamin? Đó là mẹ và cha của em. Ai yêu Benjamin? Đó là chị lớn Madison. Ai yêu Benjamin? Đó là bà Sharlene. Ai yêu Benjamin? Đó là cô Callie”. Tên từng người thân thiết của Benjamin lần lượt được nhắc đến trong bài hát. Và thế là Benjamin dần dần chìm vào giấc ngủ trong lớp chăn ấm áp.

Với trẻ nhỏ, âm nhạc có ảnh hưởng và ý nghĩa hơn cả từ ngữ. Điều đầu tiên cũng là điều quan trọng nhất, chia sẻ âm nhạc với trẻ nhỏ là một trong nhiều cách đơn giản nhất để trao yêu thương và nhận yêu thương. Âm nhạc và những trải nghiệm về âm nhạc giúp thúc đẩy sự hình thành những kết nối não bộ quan trọng trong 3 năm đầu tiên của cuộc đời trẻ (Carlton 2000).

Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những khía cạnh mà âm nhạc giúp thúc đẩy sự phát triển và cách thức để các chuyên gia về trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sử dụng những trải nghiệm về âm nhạc nhằm hỗ trợ quá trình học tập của trẻ trong những năm đầu đời.

Âm nhạc và phát triển sớm

Giống như tất cả những trải nghiệm học tập tốt nhất trong thời thơ ấu, những hoạt động/trò chơi về âm nhạc sẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ ở nhiều góc độ khác nhau. Hát một bài hát ru khi đang ru trẻ ngủ kích thích sự phát triển ngôn ngữ sớm, tạo nên mối liên kết và củng cố nhận thức về không gian của trẻ khi cơ thể trẻ đang chuyển động. Chủ động tích hợp âm nhạc vào các hoạt động quen thuộc thường ngày của trẻ - với suy nghĩ: “Tôi muốn con mình học được gì từ trải nghiệm âm nhạc này?” -  điều đó sẽ giúp bạn tìm được hoạt động thích hợp với mục tiêu phát  triển cụ thể.

Kỹ năng cảm xúc xã hội

Âm nhạc là một hoạt động cần phải chia sẻ cùng người khác như: ca hát, nhảy múa hay chơi nhạc cụ, chính vì thế âm nhạc được coi như một trải nghiệm xã hội rất tự nhiên. Âm nhạc cung cấp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cơ hội để:

  • Học tập và thực hành tự điều chỉnh bản thân: Giống như chúng ta hát ru để dỗ dành trẻ, bài hát ru sẽ giúp trẻ bình tĩnh lại, giúp hỗ trợ sự phát triển của việc tự điều chỉnh bản thân ở trẻ (khả năng quản lý trạng thái cảm xúc và nhu cầu về thể chất). Trải nghiệm đó sẽ có tác dụng xoa dịu giúp trẻ học cách làm dịu những cảm xúc trong mình.
  • Kinh nghiệm về sự tự trọng, sự tự tin và khả năng tin tưởng vào năng lực bản thân: Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển một trực giác rằng chúng rất thông minh và có năng lực để tác động vào thế giới xung quanh. Hãy nghĩ đến một nụ cười hớn hở với hàm răng sún của trẻ khi chúng làm chiếc trống đồ chơi kêu chicka chicka hay sự chăm chú của đứa bé sơ sinh khi bé làm chiếc đàn mộc cầm phát ra tiếng động.
  • Học cách chia sẻ và hoạt động luân phiên. Âm nhạc sẽ giúp trẻ học cách tuân theo thứ tự rất tự nhiên. Hãy xem cách trẻ nhường những chiếc trống cho các bạn khác trong lớp học và chờ đợi cho tới lượt của mình. Những người trông trẻ có thể bắt nhịp ra hiệu cho trẻ lần lượt lên thể hiện màn trình diễn cá nhân cho các bạn xem. Cùng nhau hát các bài hát đối đáp (“Who Ate the Cookies from the Cookie Jar?”, “Boom Chicka Boom”) trong các hoạt động hàng ngày cũng sẽ giúp trẻ học cách hoạt động luân phiên.
  • Phát triển nhận thức về văn hóa: Chơi những điệu nhạc có phong cách truyền thống tạo sự tiếp nối văn hóa giữa gia đình và các thế hệ trước. Điều này nuôi dưỡng cảm giác an toàn và được bảo vệ của trẻ, đồng thời trân trọng giá trị văn hóa và ngôn ngữ của chúng.
  • Thấu hiểu cảm xúc: Các bài hát nói về cảm xúc giúp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ học được những cụm từ dùng để miêu tả những cảm xúc mà chúng trải qua (Ví dụ lời bài hát “if you’re happy and you know it…”). Ngay cả những bản nhạc không lời cũng có thể gợi lên rất nhiều cảm xúc. Theo một nghiên cứu gần đây trẻ từ 5 tháng tuổi đã có thể cảm nhận được cảm xúc buồn vui trong 1 đoạn nhạc kịch (Flom, Gentile, & Pick 2008).
  • Hợp tác và xây dựng mối quan hệ. Âm nhạc là sự cố gắng của một tập thể, mỗi người trong đó sử dụng giọng hát hay nhạc cụ để hòa trộn, giống như hình ảnh một đoàn diễu hành của ban nhạc trẻ con trong khuôn viên một trường mẫu giáo. Những trải nghiệm âm nhạc bằng giọng hát hay nhạc cụ sẽ giúp trẻ rất nhiều trong việc phát triển những tương tác với những người đồng trang lứa, tiền đề cho những mối quan hệ bạn bè đầu tiên. 

Kỹ năng vận động (cơ bắp)

Đó là các cơ của môi khi hát những ca từ trong một giai điệu, hay cơ bàn tay khi cầm dùi trống hay còi, các cơ bắp lớn ở chân, tay khi nhảy múa. Cụ thể:

  • Phát triển kỹ năng vận động thô. Nhảy múa chính là hoạt động đầu tiên mà chúng ta hay nghĩ tới khi nhắc đến âm nhạc. Nhảy múa (với cả nhạc nhanh và nhạc chậm), tổ chức lắc lư theo điệu nhạc (với cả nhạc nhanh hay chậm), hay tạo ra âm thanh rồi tung chiếc khăn đầy màu sắc lên trời, hay nhảy nhót trên những tấm bao bì bọt là những cách rất nhẹ nhàng để giúp phát triển cơ cánh tay, chân hay cơ lưng.
  • Phát triển kỹ năng vận động tinh. Cử động những ngón tay khi hát bài “Where Is Thumbkin?”, hay mở và nắm tay với hát bài “The Wheels on the Bus” là những ví dụ hoàn hảo của âm nhạc hỗ trợ sự phát triển của cơ bắp nhỏ trên bàn tay và ngón tay của trẻ, những cơ bắp chúng cần dùng cho hoạt động viết và vẽ sau này.
  • Giữ thăng bằng. Khi nhảy theo tiếng nhạc, trẻ em phải giữ thăng bằng trong khi lắc lư hay thay đổi trọng tâm cơ thể giữa 2 chân, giống như khi bạn nhảy điệu Twist vậy. Trẻ nhỏ cố gắng nhảy theo người chăm sóc, xoắn chân hay lắc người theo nhạc trong khi vẫn phải giữ thăng bằng cho khỏi ngã. (Tất nhiên chắc chắn chúng sẽ ngã, và điều đó thật là thú vị).
  • Nhận thức về cơ thể. Khuyến khích trẻ chỉ vào các bộ phận của cơ thể khi bạn hát, ví dụ: “Đầu, vai, đầu gối và các ngón chân”. Điều này sẽ giúp trẻ có thể nhận biết được những bộ phận cơ thể.
  • Khả năng điều khiển hai phần của cơ thể. Phối hợp song song là khả năng kết hợp chuyển động của hai nửa cơ thể thể hiện rõ khi bạn chơi piano hay leo cầu thang. Điều này đòi hỏi trẻ phải kết hợp sự điều khiển của hai phần não bộ để phối hợp chuyển động của cơ thể.

Crossing midline, tức là khả năng trẻ dùng một bộ phận cơ thể bên này để với qua bên kia (ví dụ như dùng tay trái với qua bên phải để gãi cùi trỏ tay phải), điều này đòi hỏi sự phối hợp tốt của hai phần cơ thể. Điều này thể hiện khi trẻ chơi trống bằng cả hai tay hay chuyển chiếc Maracas (một loại nhạc cụ đa sắc màu làm bằng gỗ của Người Trung Mỹ Maracas còn gọi là cái“shac-shac”) từ tay này sang tay khác, nhảy điệu hokey pokey (điệu nhảy chỉ đứng bằng 1 chân). Giáo viên có thể sử dụng các dụng cụ lắc nhịp sau đó chuyển qua lại giữa hai tay hay các bộ phận khác của cơ thể để trẻ bắt chước theo.

Kỹ năng ngôn ngữ và văn chương

Nếu bạn thắc mắc âm nhạc có tác động nhiều nhất đến kỹ năng nào của trẻ thì hầu hết mọi người đều trả lời đó là kỹ năng ngôn ngữ. Trên thực tế, âm nhạc có thể giúp trẻ trau dồi kỹ năng ngôn ngữ và văn chương theo rất nhiều cách.

  • Ngôn ngữ nói. Âm nhạc có thể dễ dàng giúp trẻ thực hành ngôn ngữ hay giải thích ý nghĩa của từ ngữ. Thay thế các từ trong những bài hát nổi tiếng (ví như “bữa trưa vui vẻ”) hay yêu cầu trẻ điền từ còn thiếu vào các chỗ trống trong lời bài hát (ví dụ “[Dante] had a little [fish]) sẽ khuyến khích trẻ thực hành các kỹ năng tư duy và suy luận logic về ngôn ngữ.
  • Học song ngữ. Dạy song song cho trẻ những bài hát bằng những ngôn ngữ khác nhau sẽ giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ trong 3 năm đầu đời. Âm nhạc còn có ý nghĩa tuyệt vời khi lôi kéo được các thành viên trong gia đình vào cùng một hoạt động cùng chia sẻ những vần điệu hay bài hát truyền thống.
  • Tiếp thu ngôn ngữ. Nghe nhạc là một trải nghiệm nhằm phát triển kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ (những từ mà trẻ hiểu nhưng chưa thể nói ra) ngay cả khi không cần từ ngữ để truyền tải cảm xúc hay hình ảnh. Giống như nhà soạn nhạc Camille Saint-Saëns đã diễn tả hình ảnh khệnh khạng của những chú voi, chuột túi hay các loại sinh vật khác trong vở The Carnival of the Animals. Trẻ nhỏ nhất là những trẻ mới bắt đầu chơi trò đóng vai giả định đã có thể nghe và diễn lại hình ảnh của những loài vật.
  • Nhận thức âm vị. Nhân thức âm vị mô tả khả năng trẻ nghe thấy, nhận ra và sử dụng các loại âm thanh khác nhau (âm vị). Ví dụ như trong từ con mèo (cat) có 3 âm vị khác nhau: /k/, /a/ ngắn và /t/. Trẻ em có khả năng nhận thức âm vị tốt sẽ có lợi thế trong việc phát triển kỹ năng đọc theo thời gian (Ehri et al. 2001). Âm nhạc giúp phát triển kỹ năng này rất tốt, vì các bài nhạc thường có gieo vần (lặp lại âm vị trong các câu hát) (Bộ y tế sức khỏe và dịch vụ con người/nhân quyền Hoa Kỳ, sắp xuất bản). Ví như trong bài hát “Tôi là 1 ấm trà nhỏ: các âm vị stout, spout, shout và out đều có vần với nhau.

Kỹ năng tư duy (nhận thức)

Âm nhạc cung cấp một cách tự nhiên cơ hội để trẻ tiếp xúc việc thực hành mẫu, các khái niệm toán học, và trau dồi kỹ năng tư duy biểu tượng. Tất cả đều có trong bối cảnh âm thanh vui nhộn – tạo thành một hoạt động kích thích, thu hút trẻ nhỏ. Có rất nhiều cách giúp trẻ tham gia những trải nghiệm âm nhạc hữu ích với từng khả năng và giai đoạn phát triển, và tạo ra những trải nghiệm phù hợp với các độ tuổi cũng như chương trình chăm sóc trẻ trong gia đình.

  • Tập đếm: có rất nhiều bài hát liên quan đến các con số và việc tập đếm như: “One, Two, Buckle My Shoe,” “Five Little Monkeys,” “This Old Man,” và “The Animals Came in Two by Two”. Nhịp điệu và sự lặp lại trong lời bài hát sẽ giúp trẻ nhỏ dễ dàng ghi nhớ những con số (tìm hiểu kỹ hơn trong đoạn kế tiếp).
  • Hình mẫu và trình từ: hầu hất các bản nhạc đều có một hình mẫu hay trình tự sắp xếp trong giai điệu hay lời bài hát. Học cách đoán trước nội dung bài hát có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng tính toán và kỹ năng đọc hiểu. Có một số bài hát có sự lặp đi lặp lại trong lời hay giai điệu (như: “Pop Goes the Weasel,” “Old MacDonald Had a Farm”), hay kể một câu chuyện (“Froggy Went A-Courtin’”), hay một bài hát có mở đầu, diễn biến và kết thúc rõ ràng (“The Farmer in the Dell”)
  • Cảm nhận tiết tấu: nhận thức về tiết tấu thể hiện trong việc vỗ tay theo nhạc hay vần điệu. Nghiên cứu của Weikert, Schweinhart, & Larner năm 1987 đã phát hiện rằng khả năng cảm nhận tiết tấu của trẻ tương quan với kết quả điểm số trẻ đạt được ở lớp 1 và lớp 2.
  • Ghi nhớ: âm nhạc giữ một vị trí quan trọng trong trí nhớ con người. Ngay cả trẻ khoảng 8 tháng tuổi đã có thể ghi nhớ một đoạn nhạc sau 2 tuần (Ilari & Polka 2006). Lặp lại một giai điệu nhiều lần (cùng một thời điểm, ví như trong giấc ngủ trưa) giúp trẻ ghi nhớ sự kết nối giữa âm nhạc với một hoạt động cụ thể hàng ngày.
  • Khả năng quan sát và nhận thức sự khác biệt: thông qua trải nghiệm nhiều loại âm nhạc hay các nhạc cụ khác nhau, trẻ sẽ từ từ nhận thức được sự khác biệt về cao độ, âm sắc và giai điệu. Ngay cả khi trẻ còn rất nhỏ cũng sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi quả trứng lắc phát ra âm thanh khác so với những nhạc cụ còn lại. Có một nghiên cứu rất thú vị khi yêu cầu người mẹ thu âm 2 bản khác nhau của một bài hát, một là khi cô hát cho con nghe, một là khi hát một mình. Thật thú vị khi trẻ sơ sinh (từ 4-7 tháng tuổi) thích thú hơn với giọng hát xen lẫn tình yêu thương của người mẹ dành cho con (Trainor 1996).
  • Chơi trò giả định và tư duy biểu tượng: nhận biết một đồ vật (một khối hình) có thể đại diện cho một đối tượng (một chiếc xe) là một bước tiến lớn trong tư duy của trẻ. Chúng ta có thể sử dụng âm nhạc để phát triển khả năng tư duy này bằng cách cung cấp những đạo cụ phù hợp với bài hát, ví như những chú nhện nhồi bông khi hát bài “chú nhện nhỏ xíu – It’sy Bitsy Spider”, hay những hình hoa quả cắt từ vải nỉ khi hát bài “sa lát trái cây – Fruit Salad”).

Âm nhạc cung cấp một cách tự nhiên cơ hội để trẻ tiếp xúc việc thực hành mẫu, tìm hiểu các khái niệm toán học, và trau dồi kỹ năng tư duy biểu tượng.

Sử dụng âm nhạc trong cấp bậc mẫu giáo đề hỗ trợ và nuôi dưỡng trẻ phát triển các kỹ năng

  Cảm xúc xã hội Vận động/thể chất Tư duy Ngôn ngữ và văn học
Từ mới sinh đến 12 tháng tuổi

Sử dụng âm nhạc trong các thời điểm chuyển tiếp (hát ru trẻ ngủ trưa, hoặc một bài hát tạm biệt dành riêng cho từng trẻ lúc đặt bé xuống). Điều này sẽ giúp trẻ bắt đầu học cách giữ bình bĩnh và tự điều chỉnh bản thân.

Âm nhạc là cách để kết nối với trẻ. Hãy bế trẻ và hát cho chúng nghe, và hãy giao tiếp bằng mắt với trẻ nếu trẻ không cảm thấy quá căng thẳng. Chú ý xem trẻ hứng thú với bài hát và nhịp điệu nào nhất. Thêm tên trẻ trong mỗi bài hát.
Cùng trẻ lắc lư theo điệu nhạc: hãy bắt đầu bằng việc di chuyển nhẹ nhàng với các bài nhạc du dương, sau đó chuyển sang các bài hát có tiết tấu nhanh hơn và di chuyển cơ thể bạn (lúc đang bế trẻ) theo điệu nhạc. Bạn cũng có thể đặt trẻ trên sàn và di chuyển tay chân trẻ theo tiết tấu nhạc, những em bé đã biết đứng bám có thể lắc hông theo nhạc. Đưa nhạc cụ cho trẻ và dạy trẻ cách làm chúng phát ra âm thanh. Trứng lắc, tay lắc, chuông là những lựa chọn rất tuyệt. Hay các nhạc cụ tự làm ở nhà ví như một chai nhựa đóng kín với hạt đậu phía trong (đầu chai nhựa được đóng kín hoặc dán bằng một chất liệu không độc hại) cũng sẽ rất thú vị.  Hát những bài hát đơn giản để trẻ cử động tay theo (ví như “The Wheels on the Bus” and “Twinkle, Twinkle Little Star”). Trẻ có thẻ kiếm soát tay và các ngón tay (từ khoảng 9 tháng) trước khi có thể ngân nga theo nhạc (từ 10 đến 12 tháng).
Từ 12 đến 24 tháng tuổi

Khuyến khích trẻ nhỏ chơi và học hỏi cùng nhau bằng việc tổ chức một buổi diễu hành âm nhạc, mỗi trẻ sẽ chơi một loại nhạc cụ khác nhau.Hoặc là tạo ra một loại nhạc cụ kiểu “vườn bách thú” nơi giúp trẻ khám phá nhiều nhạc cụ khác nhau.Hoạt động này đồng thời khuyến khích trẻ chơi với nhau. Ví như dựa theo bài hát “Ring Around the Rosey” sẽ khuyến khích trẻ chơi thành từng cặp.

Cho trẻ cơ hội thực hành tự kiểm soát bằng trò chơi “đóng băng”. Giải thích rằng khi bạn tắt nhạc, trẻ sẽ phải đứng yên tại chỗ cho tới khi nhạc được bật lại.

Sáng tạo những điệu nhảy mới khi hát trẻ nhỏ lơn hơn một chút. Ví dụ: lắc một cái dù (cái ô) khi hát “Con khỉ đuổi con chồn xung quanh chiếc ghế của người thợ đóng giày..” sau đó xoay chiếc dù và đưa lên trên đầu khi hát “Pop, con cồn chạy mất rồi”, lúc đó đứa trẻ có thể xoay chiếc dù lên và ngồi bên dưới nó. 

Chơi trò chơi “nhanh và chậm”. Đầu tiên, bật nhạc tiết tấu nhanh và khuyến khích trẻ di chuyển cơ thể theo điệu nhạc nhanh, sau đó chuyển sang nhạc trung bình rồi nhạc chậm. Đây là vấn đề rất thú vị để trẻ học cách giải quyết: não của chúng sẽ xử lý âm thanh và chúng phải kết nối để cơ thể đưa ra phản hồi phù hợp. Album Victor Vito (của Laurie Berkner) là một lựa chọn tuyệt vời cho hoạt động này.

Yêu cầu trẻ giơ đồ vật tròn lên (một quả bóng xốp mềm chẳng hạn) khi hát “Trên mặt của đĩa Spaghetti”. Điều này sẽ thúc đẩy khả năng tư duy biểu tượng của trẻ hoặc khả năng sử dụng một vật (quả bóng) để thay thế một vật khác (những viên thịt tròn trên đĩa Spaghetti).
Sử dụng bài hát như một cách khác để kể chuyện. Khi bạn hát – kể một câu chuyện hãy sử dụng con rối, hình cắt dán bên bảng, bức tranh, hình chụp. Thậm chí trẻ có thể diễn một phần trong bài hát. Thông qua âm nhạc trẻ có thể phát triển khả năng tưởng tượng và hiểu được về trình tự .  

Thông tin về tác giả:

Rebecca Parlakian phát triển một nguồn tài liệu trên nền tảng Web và chương trình cho cả các bậc phụ huynh và các chuyên gia trong vòng 9 năm qua tại ZERO TO THREE ở Washington. Gần đây nhất, bà đã phát triển một nguồn tài liệu trực tuyến cho những người chăm sóc trẻ khám phá năm hành vi thách thức chung của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong độ tuổi vừa chập chững biết đi. rparlakian@zerotothree.org

Claire Lerner, LCSW-C là một nhân viên công tác xã hội lâm sàng, chuyên gia phát triển trẻ em và là giám đốc trong việc cung cấp tài nguyên cho phụ huynh tại ZERO TO THREE. Bà giám sát việc phát triển nội dung cho các bậc phụ huynh trên các ấn phẩm xuất bản và Website nhằm cung cấp kiến thức cho những bậc cha mẹ có con nhỏ và huấn luyện các chuyên gia về giáo dục sớm và cách làm việc hiệu quả với phụ huynh.