Thư viện

Sức mạnh của tư duy trừu tượng (Tư duy thần thoại)

Nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của trí tưởng tượng đối với quá trình phát triển nhận thức của trẻ em

Tác giả SHIRLEY S. Wang - Cập nhật ngày 22/12/2009

Liệu bà tiên răng có thật hay không? Thế còn người thu rác? Những câu hỏi có vẻ bình thường, nhưng cách các bạn nhỏ trả lời những câu hỏi đó lại là một chỉ báo quan trọng của sự phát triển nhận thức.

rí tưởng tượng đối với quá trình phát triển nhận thức của trẻ em​Trong nhiều năm qua, người ta cho rằng trí tưởng tượng là một cách để trẻ em thoát ly khỏi thực tại, đến một độ tuổi nhất định, các em sẽ gạt những câu chuyện thần tiên sang một bên và đối mặt với thế giới. Nhưng càng ngày, các chuyên gia về sự phát triển của trẻ em càng đánh giá cao tầm quan trọng của trí tưởng tượng và vai trò của nó trong việc tìm hiểu thế giới thực. Trí tưởng tượng rất cần thiết để học về những con người và sự kiện chúng ta không trực tiếp biết đến hay trải qua, ví dụ như lịch sử hoặc các sự kiện xảy ra ở một nơi khác trên thế giới. Đối với trẻ nhỏ, trí tưởng tượng giúp các em suy nghĩ về tương lai, chẳng hạn như nghĩ xem mình muốn làm gì khi lớn lên.

Theo Paul Harris, nhà tâm lý học phát triển hiện là giáo sư tại Trường Đại học về Giáo dục Harvard (Harvard Graduate School of Education), là một nhà nghiên cứu về trí tưởng tượng, “bất cứ khi nào chúng ta nghĩ về cuộc nội chiến Mỹ hay Đế quốc La Mã hoặc có thể là về Chúa, là lúc đó ta đang sử dụng trí tưởng tượng. Trí tưởng tượng rất quan trọng trong suy niệm về thực tế chứ không chỉ là về những thứ chúng ta cho là chuyện thần tiên.”

Các nhà tâm lý như Jacqueline Woolley, giáo sư tại Đại học Texas tại Austin, đang nghiên cứu về quá trình “tư duy thần tiên”, hay có thể hiểu là về cuộc sống trong thế giới thần tiên của trẻ em, và quá trình trẻ em học được cách phân biệt giữa những cái có thật với những cái không thật.

Họ hy vọng rằng hiểu biết cách phát triển nhận thức thông thường ở trẻ em sẽ giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn tình trạng chậm phát triển và các rối loạn khác như tự kỷ. Ví dụ, theo tiến sĩ Harris, có bằng chứng cho thấy trí tưởng tượng và các trò chơi đóng vai nhân vật có vai trò quan trọng giúp trẻ em nhìn nhận được quan điểm của người khác. Mặt khác, cũng theo Tiến sĩ Harris, trẻ em mắc chứng tự kỷ không tham gia nhiều vào các trò chơi đóng vai, điều đó khiến một số người cho rằng việc thiếu các hoạt động như vậy cũng là một nguyên nhân dẫn đến các khiếm khuyết về mặt xã hội của các em.

Nhóm của tiến sĩ Woolley tại Phòng Nghiên cứu Trẻ em đã tiến hành một loạt các thử nghiệm liên quan đến Ông già Nô-en, Tiên Răng và một nhân vật mới được tạo ra gọi là “Phù thủy Kẹo” để kiểm tra độ tuổi mà trẻ em có thể phân biệt giữa các nhân vật có thực với nhân vật hư cấu, cách các em xử lý tình huống cũng như các dấu hiệu liên quan đến các nhân vật này.

Trong một nghiên cứu có sự tham gia của 91 trẻ em, tiến sĩ Woolley đã yêu cầu các em nhỏ xác định xem một số người và nhân vật, trong đó có ông già Nô-en và Người thu rác, có thật hay không. Cô phát hiện ra rằng 70% các em ở độ tuổi 3 tuổi cho rằng ông già Nô-en là có thật, trong khi 78% tin vào Người thu rác. Đến 5 tuổi, niềm tin chắc chắn của trẻ em về Người thu rác tăng lên, và số em tin vào Ông già Nô-en đạt đỉnh ở mức 83%. Cho đến tận khi 7 tuổi, niềm tin vào ông già Nô-en mới giảm xuống. Đến 9 tuổi, chỉ có một phần ba số trẻ tin vào ông già Nô-en trong khi gần như tất cả đều cho rằng người thu rác là có thật.

Như vậy, “nếu trẻ em đã có sự phân biệt cơ bản giữa thực và không thực khi lên 3, tại sao các em lại tin vào ông già Nô-en cho đến tận khi lên 8?” Tiến sĩ Woolley nói.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng mặc dù trẻ em ở độ tuổi 3 tuổi đã hiểu các khái niệm về những gì có thật và những gì không có thật, nhưng cho đến khi lên 7 tuổi, trẻ mới có thể dễ dàng bị định hướng bởi những lời thuyết phục của người lớn hoặc những thứ được coi là “bằng chứng”. Các em giữ vững niềm tin của mình về một số nhân vật huyền diệu như ông gia Nô-en lâu hơn những nhân vật khác, chẳng hạn như con quái vật hay con rồng. Hầu hết các em tham gia nghiên cứu này theo đạo Kitô, và theo tiến sĩ Woolley, số trẻ em tin vào ông già Nô-en có thể sẽ ít hơn nếu trong mẫu nghiên cứu có sự tham gia của trẻ em thuộc nhiều tôn giáo khác.

Bằng chứng về Ông già Nô-en

Cũng theo tiến sĩ Woolley, nói một cách logic, từ những gì trẻ em nhìn thấy, niềm tin rằng ông già No-en là có thật cũng hoàn toàn hợp lý. Ông già Nô-en và Người thu rác có một số đặc điểm tương đồng. Cả hai đều là những người mà các em đã nghe nhắc đến nhưng chưa bao giờ gặp. Có bằng chứng cho sự tồn tại của ông già Nô-en - những món quà xuất hiện vào buổi sáng Giáng sinh, cũng như về sự tồn tại của người thu rác - làm cho rác biến mất, mặc dù trẻ em thường không trực tiếp chứng kiến những hành động đó. Một em bé 5 tuổi đã có kỹ năng nhận thức để lắp ghép các chứng cứ lại với nhau, nhưng vì các mảnh ghép lại gây hiểu nhầm, nên các em mới đi đến kết luận sai. Các em bé ít tuổi hơn có thể không có đủ kỹ năng nhận thức để ghép các bằng chứng với nhau, vì vậy trong thực tế, những trẻ này có thể sẽ ít tin vào sự tồn tại của ông già Noel hơn. Tính thực của một số nhân vật khác, chẳng hạn như chú rối Elmo trong chương trình Sesame Street, có thể làm rối trí trẻ bởi vì các em biết Elmo là một con rối, nhưng không biết rối thì có thật hay không?

Tiến sĩ Woolley cũng đã nhìn thấy những loại tín hiệu và bối cảnh có tính thuyết phục nhất đối với trẻ em. Trong một thí nghiệm khác có sự tham gia của 44 em nhỏ, nhóm nghiên cứu của cô đã đến thăm các lớp mẫu giáo và nói với học sinh về một nhân vật mới được đặt tên là Phù thủy Kẹo, một phụ nữ thân thiện xuất hiện vào dịp Halloween và đổi số kẹo các em đã thu thập được với một món đồ chơi. Các nhà nghiên cứu cho các em xem hình ảnh của phù thủy kẹo, sau đó yêu cầu một số phụ huynh cung cấp “bằng chứng” về sự tồn tại của Phù thủy Kẹo bằng cách lén đổi kẹo và đồ chơi tại nhà.

Gần hai phần ba số trẻ tham gia nghiên cứu này đã bị thuyết phục rằng Phù thủy kẹo là có thật. Những đứa trẻ được Phù thủy kẹo “viếng thăm” cảm thấy bị thuyết phục hơn. Và, giống như với ông già Nô-en, trẻ mẫu giáo lớn, trung bình là 5 năm tuổi, có vẻ bị thuyết phục hơn so với trẻ mẫu giáo nhỏ, trung bình 3,5 tuổi. Kết quả này đã được công bố trên tạp chí Khoa học Phát triển (Developmental Science) vào năm 2004.

Không thể xảy ra hay Có thể không xảy ra

Hiện nay, Tiến sĩ Woolley và các học trò của cô đang kiểm tra một khái niệm liên quan đến thực tế: khi nào thì một sự kiện là Không thể xảy ra và khi nào thì một sự kiện được kết luận là Có thể không xảy ra. Trong thí nghiệm trẻ em được cho xem nhiều hình ảnh khác nhau và một đoạn mô tả ngắn gọn. Sau đó, họ yêu cầu các em cho biết hình ảnh đó là thật hay không thật bằng cách đặt nó lên chiếc kệ sách có sẵn “những điều có thể xảy ra” hoặc một kệ khác  có sẵn “những điều không có thật”.

Một buổi sáng gần đây, bé Mia 5 tuổi, mặc một chiếc váy màu xanh có hoa, đến phòng thí nghiệm cùng với bố và chú ngựa nhỏ bằng nhựa màu tím. Một trong những tình huống được đưa ra cho cô bé là “Thú cưng của Sarah là một con công.” Khi được hỏi liệu điều này là thật hay không, Mia ngay lập tức trả lời, “không có thật.” “Tại sao vậy?” “Bởi vì không ai nuôi một con công” bé nói. Một tình huống khác: “Julia nhảy lên không trung và không bao giờ trở xuống nữa” - cũng được cho là không có thật bởi vì “không ai muốn sống trong những đám mây nơi họ không thể nhìn thấy bầu trời,” Mia nói.

Theo tiến sĩ Woolley, phản ứng của cô bé rất tiêu biểu cho những đứa trẻ cùng độ tuổi. Kết quả ban đầu cho thấy trẻ 5 tuổi chưa có khả năng phân biệt những gì là không thể xảy ra với những điều có thể không xảy ra nhưng về mặt bản chất thì có thể xảy ra. Trong các nghiên cứu sau này, tiến sĩ Woolley và các cộng sự dự định sẽ tìm hiểu xem liệu việc một nhà nghiên cứu thừa nhận một tình huống là lạ thường có làm thay đổi nhận định của trẻ về tính thật của tình huống đó hay không.

Các bậc cha mẹ nên làm gì?

Theo tiến sĩ Woolley, khuyến khích trí tưởng tượng ở trẻ là điều quan trọng nhưng không bắt buộc. Giả dụ, đứa trẻ đã có một người bạn tưởng tượng, cha mẹ nên làm theo chỉ dẫn của con và khích lệ con nếu họ cảm thấy thoải mái khi làm điều đó, cô nói. Cũng tương tự như vậy, với ông già Nô-en, nếu một đứa trẻ dường như bị kích thích bởi ý nghĩ này, cha mẹ có thể khuyến khích. Nhưng nếu cha mẹ chọn không giới thiệu hay khuyến khích niềm tin vào các nhân vật hư cấu, họ nên tìm cách khác để khuyến khích trí tưởng tượng của con, chẳng hạn như chơi trò hoá trang hay đọc tiểu thuyết.

Nếu một đứa trẻ hỏi liệu Tiên Răng hoặc Ông già Nô-en có thật không, cha mẹ nên đánh giá mức độ nghi ngờ của con mình. Nếu sự nghi ngờ có vẻ mạnh thì đứa trẻ có thể đã sẵn sàng và khi đó đã đến lúc nói ra sự thật. Lý tưởng nhất là các con sẽ tự mình tìm ra sự thật như một nhà khoa học nhí, vì vậy, cha mẹ có thể hỏi, “Con có nhìn thấy hoặc nghe nói đến điều gì khiến con tin rằng ông già Nô-en là không có thật không?” và “Con nghĩ thế nào?”

“Bạn muốn tìm một sự cân bằng cho phép [trẻ em] đón nhận các khả năng nhưng cũng như các câu hỏi,” Tiến sĩ Woolley nói.

Các trò chơi thần tiên có một mối tương quan nhất định với các đặc điểm tích cực khác. Ví dụ như ở trẻ mầm non, những trẻ có người bạn tưởng tượng thường sáng tạo hơn, có hiểu biết xã hội tốt hơn và giỏi hơn trong việc hiểu quan điểm của người khác, theo Marjorie Taylor, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Oregon và là tác giả của cuốn sách “Những người bạn tưởng tượng và Những em bé tạo ra chúng.”

Những người bạn tưởng tượng cũng có thể được sử dụng để giúp trẻ em đối mặt với căng thẳng, Tiến sĩ Taylor nói.  “Khả năng giả vờ là một thế mạnh của trẻ em. Các em có thể khắc phục nhiều vấn đề bằng cách sử dụng trí tưởng tượng của mình.”

Viết cho Shirley S. Wang tại shirley.wang@wsj.com

Nguồn: The Power of Magical Thinking Research Shows the Importance of Imagination in Children’s Cognitive Development