Thư viện

Khủng hoảng tuổi mẫu giáo - Tại sao trẻ cần vui chơi ở trường (Phần 1)

Tầm quan trọng của hoạt động vui chơi đối với sự phát triển khỏe mạnh và học tập của trẻ em đã được đề cập trong các nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên hoạt động vui chơi dường như biến mất rất nhanh trong giáo dục mầm non và giáo dục đầu đời của trẻ. Chúng tôi tin rằng việc hạn chế hoạt động vui chơi để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng – không chỉ cho riêng trẻ em mà cho cả tương lai của một quốc gia. Báo cáo này được thực hiện nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đến giai đoạn khủng hoảng tuổi mẫu giáo của trẻ và kêu gọi sự chung tay hành động của tập thể để thay đổi những hệ quả xấu mà tình trạng này gây ra.

Giáo dục mầm non đã thay đổi nhanh chóng trong hai thập kỷ vừa qua. Trẻ em ngày nay dành nhiều thời gian cho việc học và làm các bài kiểm tra về kỹ năng toán học và ngôn ngữ hơn cho việc học hỏi thông qua vui chơi và khám phá, thể dục, và sử dụng trí tưởng tượng. Nhiều trường mẫu giáo sử dụng chương trình đào tạo mang tính quy tắc cao nhằm đáp ứng với những tiêu chuẩn mới (của bang) và các bài kiểm tra tiêu chuẩn. Việc gia tăng các trường mẫu giáo khiến giáo viên phải tuân thủ giáo án cái mà họ không được làm khác. Những phương pháp thực hành không có cơ sở khoa học vững chắc này đi ngược lại với các nguyên tắc lâu đời của sự phát triển của trẻ em và phương pháp dạy dỗ tốt. Rõ ràng những việc làm này đang làm tổn hại cả sức khỏe và sự thành công trong học tập trong tương lai của trẻ.

Lập luận của báo cáo này, vai trò của hoạt động vui chơi phải được khôi phục, ý tưởng này có thể sẽ bị bác bỏ hoặc cho là kỳ cục ở một số nơi. Mặc dù vai trò quan trọng của hoạt động vui chơi được chứng minh trong rất nhiều nghiên cứu, nhiều người vẫn cho rằng vui chơi trong trường học là sự lãng phí thời gian. Với những người này, mục đích của trường học là nơi để học. Có rất nhiều thời gian để chơi ở nhà.

Những hoài nghi về giá trị của hoạt động vui chơi ngày càng tăng lên bởi người ta cho rằng trẻ bắt đầu học những kỹ năng đọc cơ bản như ngữ âm và nhận mặt chữ càng sớm thì sự thành công của trẻ ở trường càng cao. Bởi vậy giáo dục mầm non và giáo dục đầu đời ngày càng tập trung nhiều vào việc dạy đọc viết và những kỹ năng học tập khác; và trường mầm non ngày càng trở nên rập khuôn.

Những nhận thức không đúng về việc vui chơi của trẻ sẽ ít đi nếu chúng ta nhìn sâu vào những gì đang thực sự diễn ra. Chúng ta thấy sự khác nhau giữa việc vui chơi bề nổi, hời hợt và vui chơi có nhận thức giúp một đứa trẻ 5 tuổi thực sự tập trung, sử dụng ý tưởng sáng tạo và ngôn ngữ phong phú của mình. Chúng ta nên phân biệt giữa âm thanh hỗn loạn trong lớp học và âm thanh đầy năng lượng khi trẻ thực sự tập trung vào hoạt động vui chơi.

Chúng ta cũng thấy sự khác biệt giữa việc dạy dỗ mô phạm các kỹ năng trong ngữ âm, giải mã, và chữ cái, những kỹ năng chỉ có thể giúp trẻ đạt được kết quả trong những bài kiểm tra ở những năm đầu, và việc dạy mang tính thực nghiệm đem lại kết quả trong dài hạn cho trẻ. Chương trình Đọc đi đầu (Reading First) – là chương trình trị giá 6 tỉ USD của liên bang được thiết kế giúp trẻ em của những gia đình thu nhập thấp - đã có được thành công trong việc tăng thời gian trẻ học những kỹ năng đọc cơ bản trong trường mẫu giáo và những năm đầu của tiểu học. Tuy nhiên chương trình này lại thất bại trong việc cải thiện khả năng đọc hiểu của trẻ em.

Hoạt động vui chơi phát triển đa năng lực

Trẻ em “làm việc” rất chăm chỉ khi chúng chơi đùa. Chúng tạo ra các bối cảnh và câu chuyện, giải quyết vấn đề, và thương lượng để vượt qua các cản trở. Chúng biết chúng muốn làm điều gì và làm việc chăm chỉ để đạt được điều đó. Bởi vì động lực của chúng đến từ bên trong, chúng học được những bài học quý giá khi theo đuổi ý tưởng của mình để đạt được điều chúng muốn.

Nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em tham gia vào những trò chơi mang tính xã hội như diễn kịch, nhập vai thì trẻ sẽ có được kỹ năng ngôn ngữ tốt hơn những trẻ không có cơ hội tham gia. Bên cạnh đó, trẻ còn có kỹ năng xã hội tốt hơn như dễ cảm thông hơn, trí tưởng tượng phong phú hơn, và tinh ý hơn khi tiếp xúc với người khác (có thể hiểu ý người khác). Khi tham gia những hoạt động này, trẻ ít hung hăng hơn và có thể kiểm soát được bản thân và tư duy tốt hơn.

Những nghiên cứu được thực hiện trong thời gian dài nghi ngờ về giả thuyết cho rằng bắt đầu dạy ngữ âm và những kỹ năng học tập càng sớm thì kết quả học tập của trẻ sẽ tốt hơn. Những trường mầm non dạy trên nền tảng hoạt động vui chơi ở Đức là một ví dụ. Theo làn sóng cải tổ giáo dục những năm 1970, hầu hết những trường này đã chuyển trọng tâm từ hoạt động vui chơi sang hoạt động rèn kỹ năng học tập và nhận thức. Tuy nhiên, nghiên cứu so sánh các lớp học có trọng tâm là hoạt động vui chơi với các lớp học nhấn mạnh vào kỹ năng học tập cho thấy rằng đến khi trẻ 10 tuổi, trẻ học ở các trường chú trọng vui chơi nổi trội hơn trẻ học ở trường chú trọng kỹ năng học tập ở nhiều khía cạnh. Chẳng hạn như trẻ học đọc và toán tốt hơn và trẻ có khả năng thích ứng về mặt xã hội và cảm xúc tốt hơn. Trẻ còn nổi trội hơn ở khả năng sáng tạo và thông minh, khả năng diễn đạt, và “hướng nghiệp” (“industry”). Kết quả của nghiên cứu này đã khiến các trường mầm non của Đức quay lại phương pháp giảng dạy lấy hoạt động vui chơi làm trọng tâm.

Người Mỹ thường ghen tị với Trung Quốc và Nhật Bản vì hai nước này thành công hơn trong đào tạo khoa học, toán học và công nghệ. Tuy nhiên, chúng ta lại ít biết rằng cách tiếp cận giáo dục của Trung Quốc và Nhật Bản ở bậc mầm non và cấp một lại tập trung vào vui chơi và thực nghiệm hơn là mô phạm. Tương tự như ở Phần Lan, hoạt động vui chơi là trọng tâm và trẻ em bắt đầu lớp một lúc 7 tuổi thay vì 6 tuổi. Trẻ tận hưởng tuổi thơ dài và thú vị. Vậy mà Phần Lan liên tục đạt được kết quả cao nhất ở kỳ thi PISA cho học sinh ở độ tuổi 15.

Khác với Mỹ, cái nghèo không phải là nhân tố ảnh hưởng đến trẻ em Phần Lan. Trẻ em thuộc hộ nghèo trước tuổi đến trường và mầm non cần có sự chú ý đặc biệt. Nhưng những gì mà trẻ cần là sự hỗ trợ để chúng có thể hưởng lợi ích từ chương trình dạy có trọng tâm là hoạt động vui chơi và thực nghiệm. Hướng dẫn cho trẻ thuộc nhóm này có thể sẽ cần cấu trúc hơn và làm sao tạo điều kiện cho trẻ hòa vào hoạt động vui chơi. Giáo viên cũng cần phải kỹ càng hơn khi hướng dẫn trẻ làm quen với sách. Đối với các bạn nhỏ thuộc tầng lớp trung lưu thì sách không phải là thứ gì đó xa xỉ hay mới lạ nhưng đối với các bạn thuộc nhóm hộ nghèo có thể sẽ khác. Trẻ thuộc nhóm này cũng cần phải nghe ngôn ngữ được sử dụng trong hội thoại, kể chuyện, bài hát, và thơ ca. Trẻ cần phải sử dụng ngôn ngữ và chơi đùa là cách thức phổ biến để hướng dẫn trẻ sử dụng ngôn ngữ mà chúng tiếp xúc.

Tất cả trẻ em, không chỉ là những trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ của giáo viên – những người hiểu được giá trị của hoạt động vui chơi. Sự thật là hầu hết trẻ em ngày nay đều không có đủ thời gian để vui chơi ngay cả ở nhà. Ngày nay nhiều đứa bé có cuộc sống đầy đủ cũng cần có sự hướng dẫn để chúng có thể tham gia các hoạt động vui chơi sáng tạo vì quá nhiều phương tiện truyền thông và những hoạt động được sắp xếp sẵn trong cuộc sống hàng ngày của chúng. Trẻ thường gặp khó khăn khi nhận thức được ý tưởng của mình và thực hiện ý tưởng đó. Như một giáo viên mầm non đã giãi bày, “Nếu tôi cho trẻ thời gian dể chơi, chúng thường không biết làm gì. Chúng không tự nghĩ ra cái gì để chơi.”

Đây là bi kịch, cho cả trẻ em, cả quốc gia và thế giới nữa. Không người nào có thể khai thác hết tiềm năng của họ nếu sự sáng tạo đã bị thui chột trong những năm tháng tuổi thơ. Và không quốc gia nào có thể phát triển trong thế kỷ 21 nếu không có một lực lượng lao động sáng tạo và đổi mới. Cũng không có nền dân chủ nào có thể tồn tại nếu người dân không có suy nghĩ độc lập và thực hiện những suy nghĩ đó.

(còn tiếp)

Tác giả: Edward Miller và Joan Almon
Nguồn: Crisis in the Kindergarten - Why Children Need to Play in School 

Tham khảo thêm