Tin tức & Sự kiện

Đã đến lúc đặt lại câu hỏi về chữ "ngoan"

“Ngoan là sự cung phụng của hệ luỵ phong kiến, có giá trị lịch sử riêng. Còn tới hôm nay, ước mơ khát khao của con có được hay không? Con có được đùa nghịch phá phách theo sở thích hay không?”

Toạ đàm giáo dục với chủ đề “Ngôi làng vì trẻ thơ” do The Caterpies - một tổ chức không vì lợi nhuận về giáo dục đầu đời, tổ chức tại TP.HCM sáng 11/3, thu hút nhiều phụ huynh có con nhỏ tham gia.

Đừng bắt con ngoan

Theo tiến sĩ Trần Hữu Đức, chuyên gia tâm lý cao cấp của Better Living, đã đến lúc phụ huynh đặt lại câu hỏi chữ ngoan.

TS Tran Huu Duc - day con - the caterpies viet nam
TS Trần Hữu Đức, chuyên gia tâm lý cao cấp của Better Living

Ông Đức cho rằng, mọi phụ huynh đều có thói quen dùng lời khen người này, ước ao về người kia và cho con của mình một từ, mà đã đến lúc phải đặt một câu hỏi lớn là từ "ngoan". Khi khen chúng ta nói bé rất ngoan với sự yêu thương, trìu mến. Nhưng ngoan là sự cung phụng của hệ luỵ phong kiến, có giá trị lịch sử riêng. Còn hôm nay, ước mơ khát khao của con có được hay không? Con có được đùa nghịch phá phách theo sở thích hay không? 

"Hãy cho con phạm lỗi, để con được là chính nó. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu đời, các con có nhiều hành động, nhiều điều cần khám phá. Phụ huynh đừng bắt ép lý tưởng của người lớn lên con trẻ. Khi chúng ta bỏ chữ ngoan đi sẽ thấy con trẻ có nhiều nhu cầu, nhiều mong muốn" – ông Đức cho biết.

Theo ông Đức, đa số phụ huynh dạy con từ bé là cấm con được sống thật với cảm xúc của mình.

“Nhiều người khi thấy con cười còn hét lên rằng, 'không cái gì mà không, vô duyên, con gái chưa nói mà đã cười, không được cười, con không được làm như vậy. Đi ra ngoài đường cũng đừng để ai biết con yêu, con ghét ai”- ông Đức kể.

"Một lần con của tôi nói ước mơ của cháu là trở thành bác bảo vệ và đã bị ông ngoại mắng te tua vì không ước cái gì cao sang hơn. Sau khi tôi tìm hiểu thì được biết, ở trường con bác bảo vệ rất có uy quyền. Bác cho chơi là các cháu chơi, bắt vào lớp là các vào lớp. Vậy đó, với một đứa bé 5 tuổi thì ước mơ như vậy. Vì vậy chúng ta phải trân trọng ước mơ đó" - ông Đức khuyến cáo.

Còn TS Bùi Trân Phượng, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen cho rằng, đừng đặt ra một hình mẫu lý tưởng vì ai cũng rất sợ phải theo một hình mẫu nào đó.

"Giáo dục đúng nghĩa phải hiểu rằng trước mặt mình là một con người mà con người này bắt đầu từ một em bé sinh động, dễ thương, đáng yêu và đáng bảo vệ. Giáo dục là tôn trọng con người và tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể để con người làm điều gì đó tốt nhất có thể".

Giáo dục đang tạo sự đề phòng hơn là tin tưởng

Cũng theo bà Bùi Trân Phượng, từ trải nghiệm bản thân, bà nhận ra nhà trường là nơi đề phòng hơn là trông cậy.

Bui Tran Phuong - the Caterpies Viet nam
Bà Bùi Trân Phượng

"Khi con tôi ba tuổi, cháu đi học về và đứng trước gương với vẻ mặt hầm hầm. Cháu chỉ tay vào gương và bảo: "Cô, nếu ngày mai cô uýnh con nữa thì con sẽ uýnh lại cô đấy". Tôi nhẹ nhàng hỏi con, tại sao cô giáo đánh con, nhưng con vẫn một mực nói cô giáo không đánh. Với trẻ con, nếu bị cô giáo đánh chúng cảm thấy chính mình có lỗi. Tôi đã bảo con, mẹ biết con không có lỗi. Mẹ chỉ hỏi tại sao cô giáo đánh con. Sau đó, con nói với tôi rằng do quên áo gối để ngủ. Tôi nói với con, cô giáo đã sai vì đây là lỗi của mẹ"- bà Phượng kể.

Theo bà, môi trường giáo dục hiện nay phần có khi không thân thiện với trẻ em.

Còn ông Trần Hữu Đức thì cho rằng, đã bắt đầu có nhiều trường học chăm chút đến giai đoạn đầu đời của bé.

"Hiện tại chưa có một hệ giá trị nào cho thiếu nhi Việt Nam tốt hơn Năm điều Bác Hồ dạy. Nhưng nếu đọc và suy ngẫm sẽ thấy những điều trong Năm điều Bác Hồ dạy đã rất kì diệu" – ông Đức khẳng định.

Lê Huyền
(Nguồn: Vietnamnet, ngày 12/03/2017)